Để được mẹ tròn con vuông, một trong những việc quan trọng nhất là theo dõi chặt chẽ thai kỳ bằng cách đi khám ít nhất 3 lần. Với các trường hợp có thai sau khi điều trị vô sinh, điều này càng trở nên cần thiết nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời những bất thường có thể xảy ra. Mục đích của khám thai định kỳ là theo dõi sự phát triển, thay đổi của mẹ hay tình trạng bệnh lý của mẹ như cân nặng, ăn uống, nám mặt, sạm da, cao huyết áp do thai, bệnh tim mạch... và phát hiện những bất thường của thai. Thai kỳ phát triển qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn được gọi là 1 tam cá nguyệt, tương ứng với 13 tuần. - Tam cá nguyệt đầu (3 tháng đầu): Từ khi mang thai đến khi thai tròn 3 tháng. Đây là thời kỳ hình thành và hoàn thiện các cơ quan của thai nhi. - Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa): Là giai đoạn tăng trưởng, nếu tình trạng thai chậm phát triển xảy ra trong thời kỳ này thì thường rất nặng. - Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối): Là giai đoạn tăng trọng, thường xuất hiện những biến chứng của thai kỳ như cao huyết áp do thai, tiền sản giật, chảy máu âm đạo do nhau tiền đạo... Lịch khám tùy thuộc vào tuổi thai hay các vấn đề của từng tam cá nguyệt. Lần khám đầu tiên bắt đầu vài ngày sau khi mất kinh hay trễ kinh. Đây là lần khám rất quan trọng, nhất là với những người từng sẩy thai trước đó, vì bác sĩ sẽ tập trung đánh giá sức khỏe của mẹ và xác định vấn đề mang thai. Từ đó đến khi được 28 tuần, thai phụ sẽ đi khám 4 tuần/lần, tiếp theo là giai đoạn khám 2 tuần/lần (đến 36 tuần tuổi). Giai đoạn cuối cùng, thai phụ phải đến gặp bác sĩ hằng tuần. Với những thai kỳ có vấn đề như ra huyết, dọa sinh non, mẹ có bệnh lý..., bác sĩ sẽ cho lịch khám riêng. Trong quá trình khám thai, người mẹ sẽ được tiêm phòng uốn ván với 2 mũi, cách nhau 1 tháng, mục đích là phòng ngừa uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh, mỗi mũi tiêm ngừa cách nhau 1 tháng. Các xét nghiệm cần làm trong thai kỳ gồm: xét nghiệm nhóm máu, Hemoglobin (xác định tình trạng thiếu máu, thiếu sắt), đường trong máu, bệnh lây truyền qua đường tình dục (như viêm gan B, giang mai, HIV, lậu...). Thai nghén không buộc người mẹ từ bỏ mọi hoạt động bình thường. Họ vẫn có thể đi làm, tập thể dục buổi sáng, chơi các môn thể thao nhẹ. Nhưng nếu bị dọa sẩy thai hay có tiền căn sẩy thai liên tiếp, nên nghỉ ngơi tuyệt đối và có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa. Trong ba tháng đầu và sau tháng thứ 8, nên tránh quan hệ vợ chồng hay đi xa, để phòng sẩy thai hay chuyển dạ sinh bất ngờ. (Theo sk&đs ) Ngoài ra bạn cần lưu ý: Trong khi mang thai nên tiêm phòng Cúm (Flu vaccine) nếu 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ trùng hợp với mùa Cúm ( từ tháng 10 cho đến hết tháng 2 của năm kế ). Sau đó mỗi năm nên chích ngừa Cúm. Chế độ ăn uống cho phụ nữ mang thai cần được cân bằng, nhiều chất đạm, ít chất béo, tức không ăn nhiều mở. Nên ăn thịt nạt, không mở. Nên ăn nhiều rau cải tươi, trái cây để có nhiều chất sơ (fiber), chất Calcium, chất sắt, các sinh tố nhất là sinh tố A, C. Nên uống thêm sinh tố dành cho phụ nữ có thai, trong đó có Folic acid. Nên uống Folic acid là sinh tố cần thiết cho sự thành lập tế bào của bài thai và ngừa tật dị dạng ở não và tủy sống như tật không có não bộ (anencephaly), nứt đốt sống (spina bifida). Trước khi có thai nên uống Folic acid 400mcg (400 microgram) mỗi ngày, khi có thai có thể uống 800mcg mỗi ngày cho đến hết 3 tháng đầu cuả thai kỳ. Chị nên bắt đầu uống ngay bây giờ khi chuẩn bị có thai. Trước khi uống cũng nên hỏi bác sĩ vế số lượng Folic acid vì mổi quốc gia có thể khác nhau về tiêu chuẩn số lượng. Không được uống rượu hút thuốc. Cũng tránh đừng gần người hút thuốc, trong nhà không nên có người hút thuốc. Cũng nên kiêng cà phê. Nếu cần uống thuốc gì thì phải báo cho bác sĩ biết trước. Bạn có thể tiêm tại các bệnh viện bà mẹ trẻ em hay phụ sản hay bệnh viện lớn tại nơi bạn sinh sống. Trên đây là những giải đáp căn bản cần thiết cho các câu hỏi của bạn nhưng bạn cũng nên đến khám bác sĩ gia đình và bác sĩ sản khoa để được khám và tư vấn chi tiết cụ thể vì sự sinh sản của phụ nữ rất quan trọng, cần phải được theo dỏi, tư vấn ngay từ đầu cho đến sau khi sinh. Chúc bạn mạnh khỏe, sinh được cháu xinh đẹp ,khỏe mạnh. (Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét