Khi không có động lực kinh tế, chúng ta đang sử dụng thi đua làm động lực để nâng cao chất lượng ngành y. Các cuộc vận động “Nói không với phong bì” các mỹ từ “Lương y như từ mẫu” v.v... ra đời. Thế nhưng đặc trưng của thi đua là chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn chứ không bao giờ là động lực lâu dài.
Hành hung thầy thuốc đã trở thành vấn nạn. Sự cố y khoa cũng không ít. Năm nào cũng có vài vụ ồn ào, còn các vụ xảy ra im lặng thì nhiều không kể xiết. Bệnh viện bị người dân kêu ca. Ngược lại thầy thuốc thì kêu ca nghề nghiệp bạc bẽo. Thầy thuốc và bệnh nhân đang chán ghét nhau nên mâu thuẫn và xung đột là không tránh khỏi.
Làm sao để bệnh nhân có thể yêu được thầy thuốc: chỉ khi thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, dành nhiều thời gian quan tâm săn sóc họ, thể hiện sự tôn trọng họ. Làm thế nào để thầy thuốc yêu bệnh nhân: chỉ khi bệnh nhân thực sự đem lại nguồn sống cho họ. Tất cả chỉ cần vậy.
Vậy tại sao thầy thuốc không thể có chuyên môn giỏi: các trường y thường có điểm tuyển sinh cao chót vót, nên không thể nói các bác sĩ có đầu óc kém. Ngành y là ngành đòi hỏi học dài và nhiều hơn các ngành khác. Để phấn đấu trở thành bác sĩ giỏi tốn kém rất nhiều cả về thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng với cơ chế lương hiện tại thì thu nhập của họ vẫn đổ đồng như thế. Vì vậy chẳng ai muốn đầu tư cả đống tiền của, thời gian và sức lực ra học hành nghiên cứu mà không có cơ hội thu hồi lại vốn đầu tư.
Tại sao thầy thuốc không dành thời gian quan tâm săn sóc, thể hiện sự tôn trọng bệnh nhân: với mức độ quá tải bệnh nhân hiện nay thì điều này là không thể. Hơn nữa, nếu đông bệnh nhân đồng nghĩa với thêm công việc mà thu nhập không tăng thêm đáng kể thì bệnh nhân không phải là nguồn sống mà là sự phiền hà đối với thầy thuốc.
Tại sao bệnh nhân không là nguồn sống của thầy thuốc: bởi lẽ chính sách giá dịch vụ y tế hiện tại cực kỳ bất cập. Giá một lần khám ở bệnh viện hạng 3 là 7000 đồng, thấp hơn giá một lần đánh giày. Giá một ngày điều trị ở bệnh viện hạng 1 thấp hơn giá một lần cắt tóc, làm đầu. Tiền bó bột gãy xương chưa bằng nửa tiền công nắn chỉnh khung càng xe máy. Thậm chí những kỹ thuật cao như lọc máu thì giá vẫn thấp hơn một lần thay nhớt ô tô. Rõ ràng quy định giá như vậy là một sự đánh giá thấp giá trị của người bệnh và bệnh nhân không thể là nguồn sống của thầy thuốc. Vì thế nguồn sống của thầy thuốc một phần phải dựa vào một số ít bệnh nhân “đặc biệt”: bệnh nhân của phòng khám tư làm ngoài giờ, những bệnh nhân điều trị tự nguyện hay thậm chí là những bệnh nhân biếu phong bì. Vì thế nhóm bệnh nhân này thường được “yêu” hơn là điều đương nhiên.
Rất nhiều người nói rằng, thầy thuốc được nhà nước trả lương thì phải phục vụ.
Nhiều thống kê về lao động tiền lương cho thấy lương chỉ đảm bảo được 65% đời sống cơ bản của công chức, viên chức. Trong đó lương ngành y gần thấp nhất trong 18 ngành nghề được khảo sát. Vậy thì lương nhà nước không thể là động lực để thầy thuốc nỗ lực phục vụ. Hơn nữa, có một thực tế mà hầu như người dân không biết: với những bệnh viện lớn, kinh phí nhà nước cấp chỉ đảm bảo một phần nhỏ trong kinh phí hoạt động bệnh viện, ví dụ Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy... kính phí nhà nước chiếm dưới 15% kinh phí hoạt động của bệnh viện, các bệnh viện khác đa số dưới 30%. Hay nói cách khác, hầu hết các bệnh viện này kinh phí nhà nước cấp chỉ đủ trả tiền điện nước, xăng dầu, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường. Tiền lương và những khoản đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên hầu như phải do các bệnh viện tự làm ra. Do giá viện phí thấp nên các bệnh viện phải duy trì số bệnh nhân đông, lượng cán bộ nhân viên thấp thì mới có khả năng trả lương. Vì thế tình trạng quá tải và không thể quan tâm sâu sát đến bệnh nhân là điều không thể tránh khỏi. Rõ ràng chính sách giá và mô hình y tế hiện tại đẩy bệnh nhân và thầy thuốc vào thế đối đầu và là nguồn gốc cho mọi mâu thuẫn, xung đột xảy ra.
Khi không có động lực kinh tế, chúng ta đang sử dụng thi đua làm động lực để nâng cao chất lượng ngành y. Các cuộc vận động “Nói không với phong bì” các mỹ từ “Lương y như từ mẫu” v.v... ra đời. Thế nhưng đặc trưng của thi đua là chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn chứ không bao giờ là động lực lâu dài. Các chiến sĩ Điện Biên anh hùng có thể “ăn cháo kéo pháo qua đèo” trong một mùa chiến dịch chứ không ai có thể ăn cháo kéo pháo cả đời được.
Mâu thuẫn giữa người bệnh và đội ngũ nhân viên y tế hiện nay là một thực tại không thể chối cãi.
Chúng ta không thể thay toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế hiện tại bằng cách tuyển dụng những thiên thần chỉ biết cống hiến mà không cần quyền lợi từ thiên đàng xuống làm bác sĩ, y tá. Chúng ta cũng không thể thay toàn bộ những bệnh nhân hiện tại bằng nhóm các bệnh nhân khác “biết điều” hơn. Chúng ta chỉ có thể thay đổi cơ chế vận hành của nền y tế. Không thể điều hành nền y tế bằng mệnh lệnh chủ quan hay vận động phòng trào được nữa. Đã đến lúc phải trả cho lao động y tế giá trị thực của nó theo quy luật thị trường. Y tế cần có sự đổi mới cơ chế giống như việc giao lại ruộng cho nông dân những năm 1986. Khi bệnh nhân thực sự là nguồn sống của thầy thuốc, họ sẽ trân quý bệnh nhân và nỗ lực đầu tư để nâng cao trình độ. Khi viện phí đủ đảm bảo được việc trả lương thỏa đáng, đủ để đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ thì các bệnh viện sẽ đầu tư nhân lực và hạ tầng để cạnh tranh thu hút bệnh nhân. Và khi chăm sóc sức khỏe thành dịch vụ thuần túy thì bệnh nhân và thầy thuốc sẽ tự lựa chọn hoặc từ chối nhau, sẽ tránh được những mâu thuẫn nảy sinh do tình trạng phải chịu đựng nhau trong mối quan hệ bắt buộc phục vụ như hiện nay.
Khi thả giá viện phí theo quy luật thị trường sẽ vấp phải vấn đề đảm bảo sức khỏe cho người nghèo: hiện tại nhà nước cấp kinh phí để y tế công lập chữa bệnh với mức giá thấp do nhà nước quy định. Vậy hoàn toàn có thể cho phép các bệnh viện tự quyết định giá viện phí, nhà nước ngừng cấp kinh phí và dùng nguồn kinh phí đó để trợ cấp trực tiếp cho người nghèo bị bệnh hoặc chỉ duy trì một số nhỏ bệnh viện từ thiện và người bệnh chấp nhận chất lượng chuyên môn và phục vụ tương xứng với mức đầu tư của nhà nước.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương (Theo web bacsinoitru)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét