Bệnh ho gà là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, do vi khuẩn ho gà (tên khoa học là Bordetella pertussis) gây nên, bệnh lây qua đường hô hấp.
Biểu hiện của bệnh:
- Giai đoạn sớm: Trẻ có thể sốt nhẹ và xuất hiện ho khan, hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi. Các biểu hiện này tăng dần, xu hướng hình thành ho cơn.
- Giai đoạn muộn hơn là những cơn ho kịch phát, bất chợt, cả ngày và đêm. Đặc điểm là ho cơn - có tiếng thở rít - nôn dãi trắng và rất dính.
+ Trong cơn: trẻ ho từng chập 15-20 tiếng ho liên tiếp, ho rũ rượi, không kìm được, mặt đỏ bừng, lưỡi đẩy ra ngoài, tím tái, chảy nước mắt, nước mũi. Về sau tiếng ho yếu dần, chỉ thấy trẻ tím tái do ngừng thở. Trẻ nhỏ có thể tử vong trong cơn ho.
+ Sau cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, nôn, vã mồ hôi, thở nhanh, mặt phù nề và mi mắt phù mọng.
Đặc biệt trẻ sơ sinh bị ho gà thường rất nặng nề. Nhiều bệnh nhi ho nhiều đến mức chảy cả máu mắt. Phần lớn trẻ ho gà bị chết là do suy hô hấp, không đủ ôxy. Ngoài ra, ho gà có thể gây các biến chứng viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu ôxy não, biến chứng viêm não... nếu không được điều trị kịp thời.
Ho liên tục, tăng dần, chảy nước mắt |
Cách phòng bệnh ho gà:
Cách phòng tránh tốt nhất là tiêm phòng đầy đủ.
- Mũi cơ bản: gồm 3 mũi khi trẻ được 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi (có trong thành phần vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1).
- Trong năm tuổi thứ 2: tiêm nhắc lại một mũi.
Trẻ được tiêm chủng ho gà theo đúng lịch này sẽ giúp trẻ đủ khả năng phòng bệnh, an toàn.
Việc bảo vệ các bệnh đã được tiêm vắc xin có thể không vững bền suốt cả cuộc đời con người. Tuy nhiên nếu chưa kịp tiêm nhắc lại, mắc bệnh cũng có phần nhẹ hơn. Liều nhắc lại có thể tiêm cho bé vào năm tuổi thứ tư trở đi (vắc xin Adacel- Pháp).
Khi thấy trẻ bị ho gà, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị ngay.
Chữa trị bệnh:
Ho gà là bệnh nguy hiểm, có nhiều biến chứng và trẻ có thể tử vong trong cơn ho hoặc do biến chứng. Vì thế, trẻ cần được điều trị tại bệnh viện. Cần điều trị bằng kháng sinh và theo dõi sát để cấp cứu kịp thời khi trẻ có biểu hiện tím tái.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét